BẢO HIỂM Ô TÔ: NHÀ SẢN XUẤT NHẬP CUỘC

Thị trường ô tô phát triển thì ngành bảo hiểm ô tô cũng theo đó tăng lên. Bên cạnh các doanh nghiệp chuyên ngành bảo hiểm, sự tham gia của các nhà sản xuất ô tô đã mở ra lối đi mới cho ngành này.

Hãng ô tô đầu tư bảo hiểm

Công ty Toyota Việt Nam tháng trước công bố áp dụng chương trình Bảo hiểm Toyota tại Việt Nam. Bà Hoàng Thị Như Quỳnh - Phó trưởng Ban Truyền thông Công ty ô tô Toyota Việt Nam cho biết, Công ty đã phối hợp với các chuyên gia bảo hiểm xe cơ giới xây dựng chương trình này.

Đây là chương trình bảo hiểm chính hãng được thiết kế với phạm vi bảo hiểm rộng và chỉ dành riêng cho khách hàng Toyota. Dịch vụ được thực hiện theo quy trình một cửa với thủ tục đơn giản, tiện lợi tại đại lý từ khâu mua bảo hiểm, sửa đổi bổ sung, giám định bồi thường, dịch vụ sửa chữa, đến tái tục bảo hiểm.

Những khách hàng mua bảo hiểm chính hãng Toyota còn có quyền được yêu cầu bồi thường mất cắp bộ phận 3 lần/năm, được hỗ trợ chi phí thuê xe trong thời gian chờ sửa chữa, được hưởng bồi thường theo giá trị xe thỏa thuận ban đầu thay vì giá trị tại thời điểm xảy ra tổn thất, không tính khấu hao khi thay mới bộ phận (áp dụng cho cả xe kinh doanh và không kinh doanh sử dụng dưới 5 năm), được hoàn phí khi không xảy ra tổn thất...

Trong 2 thập kỷ qua, Bảo hiểm Toyota đã được biết đến tại nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Đức, Ý, Pháp, Tây Ban Nha, Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, Úc, New Zealand.

Năm 2017, Toyota Việt Nam đã bán 59.355 xe, chiếm gần 1/4 trong tổng số xe được tiêu thụ trên toàn thị trường. Hiện nay, với thị phần lớn nhất trong các hãng xe thuộc Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) và luôn duy trì mức tăng trưởng ổn định nên Toyota Việt Nam đã triển khai dịch vụ này.

Hình ảnh minh họa

Trước Toyota Việt Nam, năm 2015, Mercedes-Benz Việt Nam cũng đã hợp tác với Công ty TNHH Bảo hiểm Liberty ra mắt bảo hiểm ô tô Liberty dành riêng cho xe Mercedes-Benz mang tên Mercedes-Benz. Với dịch vụ này, khách hàng được bảo hiểm trước mọi rủi ro bất ngờ gây ra thiệt hại đối với xe hoặc mất cắp xe thay vì chỉ được bảo hiểm trước những rủi ro được liệt kê trong hợp đồng bảo hiểm.

Khách hàng còn được hưởng nhiều ưu đãi về phí bảo hiểm, được phục vụ 24/7 theo tiêu chuẩn riêng, được cứu hộ miễn phí trong mọi trường hợp trong thời gian bảo hiểm, và được nhận bồi thường trong vòng 1 - 7 ngày từ khi nhận đầy đủ hồ sơ.

Sản phẩm này dành cho xe Mercedes-Benz mới và cả xe đã qua sử dụng không quá 12 năm kể từ ngày sản xuất. Ngay khi ra mắt, bảo hiểm Mercedes-Benz được đánh giá cao vì là sản phẩm bảo hiểm đầu tiên mang tên hãng xe.

Lối đi mới

Bảo hiểm ô tô tăng trưởng trong những năm gần đây. Theo số liệu từ Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), năm 2017, doanh thu bảo hiểm phi nhân thọ đạt gần 40.561 tỷ đồng, tăng 10,61% so với năm 2016, trong đó bảo hiểm xe cơ giới chiếm tỷ trọng lớn nhất với 32%.

Theo các chuyên gia bảo hiểm, so với các nước, thị trường bảo hiểm xe cơ giới ở Việt Nam còn nhỏ nhưng phát triển nhanh và sẽ tiếp tục tăng theo đà tăng của ngành ô tô. Từ khi Việt Nam gia nhập WTO vào năm 2007, việc sở hữu ô tô cá nhân ngày càng phổ biến với hơn 100.000 xe vào năm 2011. Con số này đã tăng gần gấp đôi, lên khoảng 210.000 xe trong năm 2015 và gần gấp 3 lần vào năm 2017. Theo VAMA, trong năm 2017, các doanh nghiệp thuộc VAMA đã bán ra thị trường 272.750 xe các loại.

Cùng với việc sở hữu ô tô tăng, trong những năm gần đây, sự hợp tác giữa các hãng sản xuất ô tô, đại lý ô tô và công ty bảo hiểm trong việc tặng bảo hiểm hoặc hỗ trợ phí bảo hiểm cho chủ xe cũng khiến thị trường bảo hiểm cơ giới càng phát triển. Hình thức hợp tác này mang đến thuận lợi cho cả 3 bên.

Cụ thể, chủ xe được tặng bảo hiểm khi mua xe, hãng xe có thể nâng cao doanh thu sửa chữa vì công ty bảo hiểm cam kết giới thiệu xe quay về garage chính hãng để sửa chữa và thay thế phụ tùng còn hãng bảo hiểm thì tiếp cận được nhiều khách hàng hơn.

Theo phân tích của một chuyên gia trong ngành, do nhu cầu bảo hiểm của khách hàng ngày càng khác biệt, một số nhà sản xuất ô tô đã phát triển sản phẩm dành riêng cho khách hàng. Tuy nhiên, các hãng xe không thành lập công ty bảo hiểm riêng mà hợp tác với một đơn vị bảo hiểm để phát triển, phân phối sản phẩm và phục vụ khách hàng.

Vai trò của hãng xe chủ yếu mang tính tư vấn và giám sát hoạt động của công ty bảo hiểm nhằm đảm bảo lợi ích tốt nhất cho khách hàng. Nhưng để mang lại hiệu quả tốt nhất, các hàng xe phải phối hợp chặt chẽ với công ty bảo hiểm trong khâu thiết kế và phát triển sản phẩm. Và những hãng xe cao cấp hoặc hãng có lượng bán lớn như Toyota Việt Nam, Mercedes-Benz Việt Nam đã tạo ra dịch vụ bảo hiểm mang tên hãng xe và mở lối cho hướng đi này. 

Viết bình luận