Bảo Hiểm Phi Nhân Thọ Đối Diện Áp Lực Kép: Lãi Suất Hạ, Cạnh Tranh Cao

Năm 2020, ngành bảo hiểm phi nhân thọ đối diện áp lực kép: lãi suất tiền gửi có xu hướng giảm làm giảm lợi nhuận tài chính tài chính; thêm vào đó, tăng trưởng của mảng bảo hiểm phi nhân thọ tuy vẫn ở mức cao (11%-12%), tuy nhiên tình trạng cạnh tranh cao cũng như tỷ lệ kết hợp ở mức cao khiến lợi nhuận cốt lõi đóng góp không nhiều.

 

Trong báo cáo nhận định về triển vọng thị trường bảo hiểm phi nhân thọ công bố mới đây, Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) kỳ vọng doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ năm 2020 sẽ tăng trưởng ở mức 11%, thấp hơn mức 11,6% trong năm 2019.

Tuy vậy, BSC vẫn đánh giá Việt Nam là nước có nhiều tiềm năng tăng trưởng cho ngành bảo hiểm phi nhân thọ do cơ cấu dân số trẻ và thu nhập tăng trưởng trung bình 7%/năm.

Cùng với đó, tỷ lệ sử dụng bảo hiểm phi nhân thọ của Việt Nam vẫn đang ở mức thấp (1,3% so với mức 3% – 4% trong khu vực thị trường đang phát triển). Phí bảo hiểm nhân thọ/người cũng ở mức thấp (21 USD/người so với 70 USD/người tại thị trường đang phát triển).

BSC cho hay các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ lớn (như Bảo Việt, PTI, PVI…) đang tích cực gia tăng đa dạng hóa các sản phẩm giúp giành bớt thị phần từ các doanh nghiệp nhỏ hơn.

Do đó, công ty chứng khoán này kỳ vọng trong năm 2020, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ lớn sẽ tiếp tục tăng trưởng về phí gốc từ 12% đến13% nhờ tăng trưởng chung của ngành bảo hiểm ở mức 11% và tăng trưởng từ tăng thị phần từ các bên nhỏ.

Tuy nhiên, BSC cũng lưu ý rằng tỷ lệ kết hợp (combined ratio) của toàn ngành đang ở mức cao (khoảng 98%) làm giảm mức tăng trưởng và tỷ trọng của thu nhập từ hoạt động cốt lõi.

Tỷ lệ kết hợp là tổng các loại chi phí tính trên doanh thu phí bảo hiểm gốc. Đây được coi là tiêu chí quan trọng nhất khi đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm. Tỷ lệ này nếu trên 100% có nghĩa là doanh nghiệp bảo hiểm đó hoạt động không hiệu quả hay nói cách khác là “lỗ” trong kinh doanh bảo hiểm.

BSC kỳ vọng trong năm 2020, các doanh nghiệp sẽ tiếp tục tiết giảm chi phí quản lý doanh nghiệp, tuy nhiên mức tăng từ chi phí đền bù có xu hướng gia tăng khiến tỷ lệ kết hợp sẽ tiếp tục giữ ở mức 97% – 98%.

Một yếu tố khác cũng tác động đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp ngành bảo hiểm là xu hướng giảm lãi suất của các ngân hàng.

Liên tục trong thời gian qua, các ngân hàng đã có nhiều đợt giảm lãi suất theo chỉ đạo từ Ngân hàng Nhà nước, đặc biệt là lãi suất ngắn hạn.

Việc hạ lãi suất huy động gây ảnh hưởng không nhỏ đến các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ do 82% đầu tư của các doanh nghiệp này là ngắn hạn.

BSC cho rằng, lãi suất gửi tiền tại các ngân hàng sẽ tiếp tục giảm nhẹ từ 0,25% – 0,3% trong năm 2020. Điều này sẽ ảnh hưởng một phần đến thu nhập tài chính của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ khi cơ cấu tiền gửi ngắn hạn đang chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu tài sản đầu tư.

Từ những nhận định trên, BSC hạ quan điểm đầu tư của ngành bảo hiểm phi nhân thọ từ KHẢ QUAN trong năm 2019 xuống TRUNG LẬP trong năm 2020 do lãi suất tiền gửi có xu hướng giảm làm giảm lợi nhuận tài chính tài chính.

Thêm vào đó, tăng trưởng của mảng bảo hiểm phi nhân thọ tuy vẫn ở mức cao (11%-12%), tuy nhiên tình trạng cạnh tranh cao cũng như tỷ lệ kết hợp ở mức cao khiến lợi nhuận cốt lõi đóng góp không nhiều.

Dù vậy, vẫn có điểm tích cực với các cổ phiếu ngành này, đó là triển vọng thoái vốn cùng định giá ở mức rẻ.

Theo VietNamFinance

Viết bình luận