Chủ Xe Gây Tai Nạn Không Được Bảo Hiểm Chi Trả Trong Những Trường Hợp Nào?

Dự thảo Nghị định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới do Bộ Tài chính soạn thảo đề xuất bổ sung nhiều trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm.

Theo dự thảo Nghị định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đang được Bộ Tư pháp thẩm định, bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới là một trong số các loại bảo hiểm bắt buộc theo quy định tại Điều 8 Luật Kinh doanh bảo hiểm.

Tuy nhiên cơ quan chủ trì soạn thảo - Bộ Tài chính cho biết kết quả triển khai thời gian qua cho thấy công tác kiểm soát, giám sát thực thi của cơ quan thực thi pháp luật còn nhiều khó khăn do hạn chế về nguồn lực tài chính, nhân lực triển khai. Các doanh nghiệp bảo hiểm còn thụ động trong công tác tuyên truyền về chế độ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới cho người dân, nhất là tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiếu số.

“Công tác phối hợp cung cấp tài liệu, hồ sơ bồi thường giữa doanh nghiệp bảo hiểm và cơ quan công an tại một số địa phương còn vướng mắc. Cơ sở dữ liệu bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới chưa được khai thác, sử dụng hiệu quả, chưa đảm bảo các mục tiêu”- Bộ Tài chính cho hay.

Nâng thời hạn bảo hiểm với chủ xe máy tới 3 năm

Bộ Tài chính phân tích, quy định thời hạn bảo hiểm 1 năm cho tất cả các phương tiện xe cơ giới chưa tạo điều kiện cho việc tham gia bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe máy. Do đó để tăng cường tỷ lệ tham gia bảo hiểm, giảm chi phí khai thác cho doanh nghiệp và tạo thuận lợi cho chủ xe cơ giới, dự thảo đề xuất sửa đổi quy định theo hướng: Đối với mô tô 2 bánh, 3 bánh, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự tối thiểu là 1 năm và tối đa là 3 năm.

Đối với xe cơ giới còn lại thời gian bảo hiểm tối thiểu là 1 năm và tối đa tương ứng với thời hạn kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường định kỳ có thời hạn trên 1 năm.

Khi xảy ra tai nạn, doanh nghiệp bảo hiểm hoặc người được doanh nghiệp uỷ quyền phải phối hợp chặt chẽ với chủ xe, người lái xe và bên thứ ba hoặc người đại diện hợp pháp của các bên liên quan thực hiện việc giám định tổn thất để xác định nguyên nhân và mức độ tổn thất. Chi phí giám định thiệt hại do doanh nghiệp bảo hiểm chịu.

Bảo hiểm TNDS chủ xe gắn máy (Ảnh minh họa)

Trường hợp chủ xe, người lái xe không thống nhất về nguyên nhân và mức độ thiệt hại do doanh nghiệp bảo hiểm xác định thì hai bên có thể trưng cầu giám định độc lập, trừ trường hợp có thoả thuận khác trong hợp đồng bảo hiểm.

Nguyên tắc bồi thường: Khi tai nạn xảy ra, trong phạm vi trách nhiệm bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải bồi thường cho người được bảo hiểm số tiền mà người được bảo hiểm đã bồi thường hoặc sẽ phải bồi thường cho người bị thiệt hại.

Trường hợp không được chi trả

Bộ Tài chính sẽ quy định phí bảo hiểm dựa trên số liệu thống kê, bảo đảm khả năng thanh toán của doanh nghiệp bảo hiểm và tương ứng với điều kiện bảo hiểm, mức trách nhiệm bảo hiểm và mức độ rủi ro theo loại xe cơ giới, mục đích sử dụng.

Căn cứ vào lịch sử tai nạn của từng xe cơ giới và năng lực chấp nhận rủi ro của mình, doanh nghiệp bảo hiểm chủ động xem xét, điều chỉnh tăng phí bảo hiểm. Mức tăng phí bảo hiểm tối đa là 15% tính trên phí bảo hiểm do Bộ Tài chính quy định.

Dự thảo nghị định cũng bổ sung quy định loại trừ trách nhiệm bảo hiểm: Thiệt hại về tài sản do người lái xe điều khiển xe mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, sử dụng ma tuý và chất kích thích bị cấm theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đề xuất hoàn thiện các trường hợp loại trừ bảo hiểm liên quan đến giấy phép lái xe: Lái xe chưa đủ độ tuổi hoặc quá độ tuổi điều khiển xe cơ giới; trường hợp lái xe bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe có thời hạn hoặc không có thời hạn thì coi như không có giấy phép lái xe; giấy phép lái xe không hợp lệ hoặc hết thời hạn sử dụng tại thời điểm xảy ra tai nạn…

Trong thời hạn còn hiệu lực ghi trên giấy chứng nhận bảo hiểm, nếu có sự chuyển quyền sở hữu xe cơ giới thì mọi quyền lợi bảo hiểm liên quan đến trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới cũ vẫn còn hiệu lực đối với chủ xe cơ giới mới.

Chống gian lận bảo hiểm

Xe cơ giới bao gồm phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và xe máy chuyên dùng. Trong đó, phương tiện giao thông cơ giới đường bộ gồm xe ô tô, máy kéo; rơ-moóc; xe mô tô 2 bánh, 3 bánh; xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự. Xe máy chuyên dùng gồm xe máy thi công, xe máy nông nghiệp, lâm nghiệp và các loại xe đặc chủng khác sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh theo quy định của Luật Giao thông đường bộ.

Dự thảo nghị định đã bổ sung quy định trách nhiệm của các bên liên quan bao gồm doanh nghiệp bảo hiểm, bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm và các cơ quan chức năng có liên quan trong công tác phòng, chống gian lận bảo hiểm nhằm đảm bảo sự phát triển lành mạnh, bền vững, giảm thiểu các hành vi gian lận, lợi dụng chính sách gây ảnh hưởng tiêu cực tới ý nghĩa nhân đạo của bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.

Chống gian lận bảo hiểm

Xe cơ giới bao gồm phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và xe máy chuyên dùng. Trong đó, phương tiện giao thông cơ giới đường bộ gồm xe ô tô, máy kéo; rơ-moóc; xe mô tô 2 bánh, 3 bánh; xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự. Xe máy chuyên dùng gồm xe máy thi công, xe máy nông nghiệp, lâm nghiệp và các loại xe đặc chủng khác sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh theo quy định của Luật Giao thông đường bộ.

Dự thảo nghị định đã bổ sung quy định trách nhiệm của các bên liên quan bao gồm doanh nghiệp bảo hiểm, bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm và các cơ quan chức năng có liên quan trong công tác phòng, chống gian lận bảo hiểm nhằm đảm bảo sự phát triển lành mạnh, bền vững, giảm thiểu các hành vi gian lận, lợi dụng chính sách gây ảnh hưởng tiêu cực tới ý nghĩa nhân đạo của bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.

Nguồn:https://dantri.com.vn/xa-hoi/chu-xe-gay-tai-nan-khong-duoc-bao-hiem-chi-tra-trong-nhung-truong-hop-nao-20200404195244667.htm

 

Viết bình luận