INSURTECH CHÂU Á Ở ĐÂU?

 Đôi khi người ta cho rằng thị trường “không có xuất xứ” của châu Á cho phép các khởi nghiệp InsurTech có lợi thế hơn so với các nước phát triển. Vậy thực tế họ ở đâu?

Theo ước tính của Willis Towers Watson, trong số 1.500 khởi nghiệp InsurTechtrên toàn thế giới, chỉ có 100 ở châu Á, tương ứng khoảng 7%. Khu vực này chiếm tỷ lệ lớn hơn trong tổng đầu tư toàn cầu cho InsurTech với 15%, tuy nhiên phần lớn trong số đó thuộc về ZhongAn (2,4 tỷ USD).

Và ZhongAn không phải là startup có động cơ phá vỡ sự ổn định của thị trường bảo hiểm truyền thống tại Trung Quốc vì nó được đồng sáng lập bởi Ping An – hãng bảo hiểm lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên ông Mark Hvidsten, Phó Chủ tịch Willis Towers Watson, gần đây cho rằng các InsurTech tại thị trường mới nổi thực sự có lợi thế hơn những doanh nghiệp tương tự ở Bắc Mỹ và Châu Âu.

Ông Hvidsten đã viết trong một bài báo: “Sự phá vỡ (do các startup về insurtech gây ra) đối với các thị trường này thường bị giới hạn do sự kết hợp của các quy định trong nước, chi phí thu hút khách hàng, khả năng thâm nhập thị trường, năng lực và các hạn chế về cơ sở hạ tầng sẵn có. Tuy nhiên, thị trường Châu Á, Nam Mỹ và Châu Phi không bị cản trở bởi các quy trình kế thừa, cung cấp cho các khởi nghiệp InsurTech có cơ hội cạnh tranh với ít rào cản gia nhập hơn”.

Điều đó đúng, ít nhất một phần, nhưng nó không giải thích tại sao thực tế lại khác biệt như vậy.

Việc thiếu vắng các khởi nghiệp ở châu Á xuất phát từ ít nhất ba nguyên nhân chính. Thứ nhất, rõ ràng là nhu cầu bảo hiểm hiện tại trong khu vực thấp hơn rất nhiều so với các thị trường phát triển – bạn không thể phá vỡ một thị trường không tồn tại. Thứ hai, khả năng tiếp cận vốn thấp hơn nhiều, đặc biệt so với Mỹ, nơi vốn đầu tư mạo hiểm rất dồi dào. Cuối cùng, môi trường pháp lý và thể chế không những không có nhiều khuyến khích cho khởi nghiệp mà còn ngày càng ưu tiên cho các doanh nghiệp hiện hữu.

Các quốc gia trong khu vực đang cố gắng giải quyết những thách thức này.

Chẳng hạn, cơ quan quản lý tài chính của Singapore đã đưa ra một khuôn khổ pháp lý thử nghiệm (regulatory sandbox) vào năm 2016 để tạo ra không gian thuận lợi cho các startup trong ngành kiểm tra sự đổi mới của họ trong phạm vi có kiểm soát và cam kết sẽ giải quyết các yêu cầu pháp lý và quy định để hỗ trợ thử nghiệm. Malaysia cũng đã thiết lập một cơ chế tương tự.

Mặc dù nhu cầu có thể thấp song sự thâm nhập cao của Internet di động ở nhiều khu vực của châu Á ít nhất có nghĩa là cơ sở hạ tầng đã được áp dụng cho việc phân phối các giải pháp InsurTech.

Ông Hvidsten viết: “Trường hợp cơ sở hạ tầng kế thừa không tồn tại sẵn, công nghệ hiện đại đang ngày càng hỗ trợ cung cấp và tăng trưởng các sản phẩm bảo hiểm nhằm giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và cải thiện mức sống.

Tuy nhiên, tình trạng thiếu vốn đồng nghĩa với việc các công ty bảo hiểm truyền thống thường là người chơi duy nhất trong cuộc chơi đầu tư vào khởi nghiệp và công nghệ bảo hiểm. Ví dụ tuần trước, Munich Re đã thông báo việc thành lập một công ty bảo hiểm tại Bắc Kinh nhằm phát triển các giải pháp tập trung vào công nghệ ở Trung Quốc, bao gồm bảo hiểm thời gian thực, bảo hiểm cá nhân dựa trên địa điểm, các công nghệ liên quan tới blockchain và các dự án Internet vạn vật (IoT).

Trong những năm qua, cũng đã có một vài công ty bảo hiểm khác đã thành lập các trung tâm tương tự ở Singapore, tuy nhiên cần có thời gian để đánh giá khả năng thành công của họ.

Lợi thế của một hệ thống đổi mới dựa trên vốn đầu tư mạo hiểm là chúng xuất phát từ các nhà đầu tư với mức độ chấp nhận rủi ro thích hợp, và điều này có nhiều khả năng tạo ra các ý tưởng mới có khả năng phá vỡ thực sự đối với hệ thống bảo hiểm truyền thống. Mặc dù vậy, các công ty bảo hiểm và tái bảo hiểm hoàn toàn đúng trong việc đầu tư vào đổi mới, và thậm chí họ có thể thành công. Rõ ràng các công ty này đang có lợi thế lớn.

Tuy nhiên, ông Hvidsten đã nhìn thấy triển vọng tươi sáng cho các startup tại châu Á và tương lai ảm đạm đối với các công ty truyền thống. “Châu Á đang nổi lên, trong giai đoạn đầu tăng trưởng và phát triển, có thể đóng vai trò vườn ươm một cách hiệu quả cho các công ty InsurTech – những tác nhân sẽ làm thị trường chuyển đổi sang trạng thái phát triển tốt hơn so với cách vận hành của các công ty bảo hiểm truyền thống hiện nay”, ông kết luận.

Để điều đó xảy ra, châu Á sẽ cần phải chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ nhu cầu về bảo hiểm, tăng nguồn vốn đầu tư cho startup và thực hiện những thay đổi sâu rộng đối với môi trường pháp lý./.

Trần Lâm (sưu tầm và dịch).

Viết bình luận