"Mở đường" cho dịch vụ phụ trợ bảo hiểm

Theo Bộ Công Thương thì để thực thi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), một trong 8 luật cần sửa đổi là Luật Kinh doanh bảo hiểm, tập trung vào việc bổ sung quy định về dịch vụ phụ trợ bảo hiểm.

Được giao chủ trì soạn thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ, Bộ Công Thương đang lấy ý kiến góp ý về nội dung này.

Theo dự thảo tờ trình dự án luật thì nếu đáp ứng được yêu cầu, dự thảo luật có thể được trình Quốc hội theo trình tự, thủ tục rút gọn ngay tại kỳ họp gần nhất (kỳ họp thứ 7, tháng 5/2019).

Sự cần thiết phải sửa Luật Kinh doanh bảo hiểm là Việt Nam đã gia nhập WTO và tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, gần đây nhất là hiệp định CPTPP, theo đó Việt Nam cam kết mở cửa thị trường đối với hoạt động phụ trợ bảo hiểm.

Nghị quyết số 72/2018/QH14 ngày 12/11/2018 của Quốc hội phê chuẩn Hiệp định CPTPP đã ban hành danh mục các luật cần phải sửa đổi, bổ sung theo lộ trình cam kết trong Hiệp định CPTPP, trong đó có Luật Kinh doanh bảo hiểm (bổ sung quy định về dịch vụ phụ trợ bảo hiểm). Vì vậy, việc nội luật hóa Hiệp định để hoàn thiện pháp luật về hoạt động phụ trợ bảo hiểm là cần thiết nhằm thực hiện các cam kết quốc tế, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn phát triển thị trường bảo hiểm trong nước, giúp Việt Nam mở cửa thị trường một cách chủ động và hiệu quả.

Bộ Công Thương đánh giá, hoạt động phụ trợ bảo hiểm đang có xu hướng phát triển mạnh mẽ, có vai trò quan trọng thúc đẩy thị trường bảo hiểm phát triển lành mạnh, giúp các bên tham gia giảm thiểu rủi ro, đề phòng, hạn chế tổn thất. 

Hoạt động này cũng hạn chế gian lận bảo hiểm, tăng cường tính chuyên nghiệp của thị trường, tối ưu hóa chi phí, nguồn lực cho doanh nghiệp bảo hiểm, chi trả tiền bảo hiểm, bồi thường nhanh chóng, đầy đủ, kịp thời, bảo vệ quyền lợi của người tham gia bảo hiểm.

Tại Việt Nam, thị trường bảo hiểm đang sử dụng các hoạt động phụ trợ gồm: hoạt động tư vấn bảo hiểm, đánh giá rủi ro bảo hiểm, tính toán bảo hiểm, giám định tổn thất bảo hiểm, hỗ trợ giải quyết bồi thường bảo hiểm. Tuy nhiên, cho đến nay chưa có khung khổ pháp lý về hoạt động phụ trợ bảo hiểm. Điều này dẫn đến sự khó khăn, lúng túng trong quá trình thực thi và áp dụng pháp luật, cản trở hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm và tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

Từ yêu cầu trên, nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Kinh doanh bảo hiểm tập trung vào việc bổ sung các quy định giải thích từ ngữ đối với dịch vụ phụ trợ bảo hiểm; tư vấn bảo hiểm; đánh giá rủi ro bảo hiểm; tính toán bảo hiểm; giám định tổn thất bảo hiểm; hỗ trợ giải quyết bồi thường bảo hiểm.

Lần này, dự thảo luật cũng đã bổ sung quy định về quyền tham gia các tổ chức xã hội - nghề nghiệp của tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm.

Để bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm và tổ chức, cá nhân khác thực hiện hoạt động phụ trợ bảo hiểm, dự thảo luật đã bổ sung 1 điều để quy định về chủ thể, điều kiện cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, hợp đồng dịch vụ phụ trợ bảo hiểm và sửa đổi, bổ sung quy định về cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm qua biên giới.

3 năm chi trả gần 400 tỷ

Báo cáo tổng kết Luật Kinh doanh bảo hiểm của Bộ Công Thương cho biết, các doanh nghiệp bảo hiểm đã chi trả gần 400 tỷ đồng cho các hoạt động phụ trợ bảo hiểm trong 3 năm gần đây. Trong đó, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ chi trả khoảng 132 tỷ, tương đương 34,5% số tiền chi trả của toàn thị trường. Các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ chi trả khoảng 268 tỷ đồng, tương đương 65,5% số tiền chi trả của toàn thị trường.

Trong 4 nội dung hoạt động phụ trợ bảo hiểm, hoạt động hỗ trợ bảo hiểm là hoạt động được chi trả nhiều nhất, chiếm 39% số tiền chi trả của các doanh nghiệp bảo hiểm trong 3 năm qua. Hoạt động đánh giá rủi ro bảo hiểm, hoạt động tư vấn bảo hiểm và giám định bảo hiểm lần lượt chiếm 22%, 20% và 19%.

Trong 3 năm qua, mức độ sử dụng các hoạt động phụ trợ bảo hiểm của các doanh nghiệp Việt Nam đang ngày càng tăng lên. Cụ thể, hoạt động giám định bảo hiểm được đến 70% các doanh nghiệp bảo hiểm đang sử dụng các đơn vị cung cấp dịch vụ để xác định nguyên nhân tổn thất, mức độ tổn thất, tình trạng tổn thất, xác định tổn thất có thuộc phạm vi, trách nhiệm bảo hiểm…65% các doanh nghiệp được khảo sát có sử dụng dịch vụ hỗ trợ bảo hiểm để tiết kiệm chi phí và quản lý có hiệu quả hơn các hoạt động liên quan đến hỗ trợ giải quyết bồi thường, quản lý hồ sơ, quản lý đại lý…. 

Gần 40% các doanh nghiệp bảo hiểm trên thị trường đều sử dụng hoạt động tư vấn bảo hiểm và hoạt động đánh giá rủi ro để hỗ trợ cho các công đoạn trong quá trình kinh doanh của mình, theo tổng kết của Bộ Công Thương

Viết bình luận