Tổng quan kinh tế thế giới và trong nước năm 2016

Tổng quan kinh tế thế giới và trong nước năm 2016

1. Kinh tế thế giới

Về tăng trưởng kinh tế: Kinh tế thế giới tiếp tục tăng trưởng, nhưng thấp hơn kỳ vọng và đối mặt với nhiều rủi ro. Tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi chậm lại, đặc biệt là Trung Quốc; kinh tế Brazil và Nga chưa ra khỏi khó khăn; kinh tế Mỹ xuất hiện nhiều khó khăn; các nền kinh tế phát triển khác như Nhật, Liên minh Châu Âu (EU) cũng chưa cho thấy dấu hiệu tích cực. Thương mại toàn cầu tăng trưởng chậm. Việc nước Anh ra khỏi EU - Brexit, được dự báo sẽ tác động xấu đến thị trường tài chính, thương mại, đầu tư thế giới. Báo cáo triển vọng kinh tế thế giới của Quỹ tiền tệ thế giới (IMF, tháng 01/2017) đã điều chỉnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2016 là 3,1%, giảm so với mức 3,2% năm 2015; trong đó tăng trưởng tại các nước phát triển ở mức 1,6%, tại các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển ở mức 4,1%. Ngân hàng Thế giới (WB, tháng 1/2017) cũng hạ tăng trưởng kinh tế thế giới xuống mức 2,3%, giảm so với mức 2,7% năm 2015.

Về lạm phát: Theo IMF (tháng 01/2017), lạm phát tại các nước phát triển năm 2016 ở mức 0,7%, cao hơn so với mức 0,3% của năm 2015. Riêng lạm phát tại các nước đang phát triển Châu Á ở mức 2,6% trong năm 2016, tăng so với mức 2,1% của năm 2015 (theo ADB, tháng 12/2016).

  Về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài: Theo Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD, tháng 2/2017)  đầu tư trực tiếp nước ngoài toàn cầu (FDI) năm 2016 giảm 13% so với năm 2015. Theo UNCTAD, năm 2016 nguồn vốn FDI vào các nước đang phát triển giảm 20% và vào châu Âu giảm 29%, còn vào Bắc Mỹ tăng 6%. Mỹ là nước thu hút nhiều FDI nhất trong năm 2016, tiếp theo là Vương quốc Anh và Trung Quốc.

Về diễn biến thương mại quốc tế: Thương mại toàn cầu tiếp tục giảm sút do nền kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, nhu cầu nhập khẩu hàng hóa giảm tại nhiều quốc gia và giá hàng hóa thế giới vẫn duy trì ở mức thấp. Tổ chức thương mại thế giới (WTO)1 điều chỉnh tăng trưởng thương mại toàn cầu năm 2016 ở mức đạt 1,7%, giảm so với mức dự báo 2,8% được đưa ra hồi tháng 4/2016.

Về tỷ lệ thất nghiệp: Tổ chức Lao động thế giới (ILO) điều chỉnh tỷ lệ thất nghiệp toàn cầu năm 2016 ở mức 5,7%, giảm 0,1% so với năm 2015, do những nỗ lực tạo việc làm ở các nước phát triển, tỷ lệ thất nghiệp ở các nước phát triển năm 2016 là 6,3%, giảm 0,4% so với năm 2015; trong khi đó tỷ lệ thất nghiệp ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển ở mức 5,6% năm 2016.

2. Kinh tế trong nước

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2016 ước tính tăng 6,21% so với năm 2015, thấp hơn mức tăng 6,68% của năm 2015 và không đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% đề ra. Tình hình thời tiết không thuận lợi, như rét đậm, rét hại tại các tỉnh miền núi phía Bắc; hạn hán và xâm nhập mặn nghiêm trọng tại Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, đồng bằng sông Cửu Long, lũ lụt tại các tỉnh miền Trung; bên cạnh đó, sự cố môi trường biển nghiêm trọng tại một số tỉnh miền Trung cũng như các biến động kinh tế toàn cầu đã có những tác động đáng kể đến hoạt động sản xuất. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,36%, thấp nhất kể từ năm 2011 trở lại đây; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,57%, thấp hơn mức tăng 9,64% của năm trước; khu vực dịch vụ tăng 6,98%, cao hơn mức tăng 6,33% của năm 2015.

Chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2016 tăng thấp hơn năm trước nhưng cơ cấu sản xuất đang có sự chuyển dịch tích cực. Chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2016 tăng 7,5% so với cùng kỳ, thấp hơn nhiều so với mức tăng 9,8% của năm 2015, chủ yếu do sự sụt giảm của ngành công nghiệp khai khoáng (giảm 5,9%), Tuy nhiên, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo lại có mức tăng 11,2%, cao hơn so với mức tăng của cùng kỳ năm trước (tăng 10,5%). Điều này cho thấy ngành công nghiệp trong nước đang có xu hướng chuyển dịch sang lĩnh vực chế biến, chế tạo, giảm sự phụ thuộc vào khai thác tài nguyên, khoáng sản.

Chỉ số hàng tồn kho tiếp tục được cải thiện so với năm 2015. Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 01/12/2016 tăng 8,1% so với cùng thời điểm năm trước (cùng thời điểm năm 2015 tăng 9,5%) - đây cũng là mức tồn kho thấp nhất kể từ tháng 1/2013.

Khu vực dịch vụ tiếp tục tăng trưởng cao và đạt mức 6,98%, chủ yếu nhờ tốc độ tăng tích cực của một số ngành có tỷ trọng lớn như: bán lẻ hàng hóa tăng 10,2%; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 10,7%,...; lượng khách quốc tế tăng 26% so với năm trước (đạt 10 triệu lượt- gấp 2 lần lượng khách đến nước ta năm 2010).

Sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản năm 2016 gặp nhiều khó khăn nhưng đã có sự chuyển biến tích cực trong những tháng cuối năm. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2016 theo giá so sánh 2010 ước tính tăng 1,44% so với năm 2015, bao gồm: nông nghiệp tăng 0,79%; lâm nghiệp tăng 6,17%; thủy sản tăng 2,91%.


Bảng 1. Tăng trưởng GDP và đóng góp tăng trưởng GDP theo ngành

 

Tốc độ tăng so với cùng kỳ năm trước (%)

Đóng góp vào tăng trưởng 2016 (Điểm %)

 

2012

2013

2014

2015

2016

 

Tốc độ tăng GDP

5,25

5,42

5,98

6,68

6,21

6,21

Nông, lâm nghiệp và thủy sản

2,68

2,63

3,44

2,41

1,36

0,22

Công nghiệp và xây dựng

5,75

5,08

6,42

9,64

7,57

2,59

Dịch vụ

5,90

6,72

6,16

6,33

6,98

2,67

             

Nguồn: Niên giám thống kê; Tình hình kinh tế - xã hội năm 2016, Tổng cục thống kê.

 

Lạm phát được kiểm soát ở mức thấp

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2016 tăng 4,74% so với tháng 12/2015, mặc dù cao hơn năm trước vẫn nằm trong ngưỡng đề ra của Chính phủ (dưới 5%) nhờ công tác điều hành giá và kiểm soát lạm phát được ban hành đồng bộ, chủ động, cụ thể: (i) Chính phủ đã giữ ổn định thị trường hàng hóa, chọn thời điểm điều chỉnh giá các mặt hàng nên hạn chế tác động tới CPI; (ii) Chính sách tiền tệ được điều hành theo hướng hỗ trợ kiểm soát lạm phát như các mức lãi suất được điều chỉnh giảm, tỷ giá được điều chỉnh linh hoạt, tín dụng và cung tiền tăng ở mức hợp lý; (iii) Nguồn hàng và cân đối cung cầu hàng hóa trên thị trường được đảm bảo, tránh hiện tượng tăng giá cục bộ, đặc biệt là trong mùa mưa lũ.

Về xuất nhập khẩu: đã thực hiện nhiều biện pháp thúc đẩy xuất khẩu trong bối cảnh tốc độ tăng thương mại toàn cầu và khu vực giảm mạnh. Tuy nhiên, tình hình xuất nhập khẩu năm 2016 không thuận lợi, tăng trưởng nhập khẩu thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây, tăng trưởng xuất khẩu vẫn chưa thực sự hồi phục kể từ năm 2014.

Xuất khẩu năm 2016 duy trì tăng trưởng ổn định ở mức 8,6% (cao hơn so với mức 7,9% của năm 2015). Tuy nhiên tốc độ này tương đối thấp nếu so với các mức 15,3% và 13,4% trong các năm 2013 và năm 2014. Nguyên nhân là do xuất khẩu chịu các ảnh hưởng tiêu cực do giá cả hàng hóa xuất khẩu giảm, đặc biệt ở mặt hàng nhiên liệu, dầu thô; kinh tế của một số đối tác quan trọng như Nhật Bản, EU còn nhiều vấn đề bất ổn; các mặt hàng chủ lực như điện thoại, điện tử sau năm 2015 tăng trưởng đột biến đã chững lại; xuất khẩu nông sản, thủy sản gặp nhiều khó khăn.

Nhập khẩu năm 2016 tăng 4,6%, thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng 12% của năm 2015 và cũng là mức tăng thấp nhất trong 5 năm gần đây. Nguyên nhân là do giá cả hàng hóa nhập khẩu có xu hướng giảm, trong đó giá nguyên liệu (dầu thô, than đá) giảm mạnh, nhu cầu nhập khẩu ở nhiều nhóm hàng lớn (hàng hóa máy móc thiết bị phụ tùng, phương tiện vận tải) có dấu hiệu chững lại và giảm nhẹ sau nhiều năm liên tục tăng trưởng nhanh. Nhập khẩu chủ yếu chỉ tăng ở các mặt hàng điện tử, linh kiện điện tử, nguyên phụ liệu dệt may.

Cán cân thương mại: Do tăng trưởng nhập khẩu giảm tương đối mạnh trong khi xuất khẩu vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định nên cán cân thương mại được cải thiện và thặng dư khoảng gần 2,6 tỷ USD trong năm 2016.

 

Bảng 2. Xuất nhập khẩu các năm 2012-2016               

 

2012

2013

2014

2015

2016

Tổng kim ngạch xuất khẩu (tỷ USD)

114,5

132,0

150,2

162,0

176,6

Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu (%)

18,2

15,3

13,8

7,9

9,0

Tổng kim ngạch nhập khẩu (tỷ USD)

113,8

132,0

147,8

165,6

174,1

Tốc độ tăng kim ngạch nhập khẩu (%)

6,6

16,0

12,0

12,0

5,2

Tỷ lệ nhập siêu/xuất siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu (+/-, %)

-0,7

0

-1,6

2,2

-1,4

Nguồn: Niên giám thống kê; Tình hình kinh tế - xã hội năm 2016, Tổng cục thống kê; Báo cáo số 458/BC-CP ngày 18/10/2016 của Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá XIV về tình hình kinh tế - xã hội năm 2016 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2017; Báo cáo số 2718/BC-BKHĐT ngày 31/3/2017 của Bộ Kế hoạch và đầu tư báo cáo Chính phủ tháng 3/2017.

 

Huy động vốn cho đầu tư phát triển đạt khá

Đầu tư toàn xã hội năm 2016 đạt 33% GDP, vượt kế hoạch đề ra (31% GDP); tăng 8,7% so với năm 2015, thấp hơn mức tăng 11,9% của năm 2015. Trong đó, vốn khu vực Nhà nước chiếm 37,6% tổng vốn và tăng 7,2%; vốn khu vực ngoài Nhà nước chiếm 39% và tăng 9,7%; vốn khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm 23,4% và tăng 9,4%. Tăng trưởng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2016 thấp hơn năm 2015 chủ yếu do khu vực ngoài Nhà nước và khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài nhờ sự cải thiện của môi trường đầu tư, những nỗ lực trong hoàn thiện thể chế và ổn định kinh tế vĩ mô.

Bảng 3. Tăng trưởng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội các năm 2013-2016

so với năm trước (theo giá hiện hành)

Đơn vị: %

 

 

2013

2014

2015

2016

Tổng số

 

8,4

11,5

11,9

8,7

Khu vực nhà nước

 

8,7

10,2

6,8

7,2

Khu vực ngoài nhà nước

 

7,1

13,6

12,8

9,7

Khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài

 

9,9

10,5

19,9

9,4

Nguồn: Tổng cục thống kê

 

Về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, vốn FDI đăng ký vào Việt Nam năm 2016 giảm so với năm 2015 trong khi vốn giải ngân vẫn tăng trưởng tích cực. Tổng vốn đăng ký của các dự án cấp mới, cấp vốn bổ sung và đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần trong năm 2016 tăng 7,1% so với năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện năm 2016 tăng 9% so với năm 2015, đạt mức giải ngân vốn FDI cao nhất từ trước đến nay. Lượng đầu tư thực sự đóng góp cho nền kinh tế là vốn giải ngân vẫn tăng tích cực, thể hiện niềm tin của nhà đầu tư với kinh tế Việt Nam.

Tính chung cả năm 2016, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, doanh nghiệp khởi nghiệp đạt mức kỷ lục với 110,1 nghìn doanh nghiệp, tăng 16,2% so với năm 2015; tổng vốn đăng ký là 891,1 nghìn tỷ đồng, tăng 48,1%. Trong năm nay còn có 26.689 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 24,1% so với năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động năm 2016 lên gần 136,8 nghìn doanh nghiệp. Điều này cho thấy khung khổ pháp lý mới cùng với các giải pháp của Chính phủ trong việc hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp phát triển đã phát huy hiệu quả, môi trường kinh doanh được cải thiện rõ rệt, doanh nghiệp đã tìm thấy cơ hội kinh doanh và niềm tin vào thị trường.

Nhìn chung, năm 2016 được đánh giá là một năm có nhiều thách thức với nền kinh tế Việt Nam. Trong bối cảnh kinh tế thế giới chậm hồi phục, rủi ro nhiều, kinh tế Việt Nam đã có những dấu hiệu cải thiện ở cả góc độ sản xuất kinh doanh cũng như ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn chứa đựng nhiều khó khăn thách thức khi kinh tế phát triển chưa bền vững, phục hồi còn chậm, xuất khẩu tăng trưởng chững lại, áp lực lạm phát tăng và ảnh hưởng của tình trạng biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường đến các nhiệm vụ phát triển kinh tế và tài chính - ngân sách nhà nước trong năm 2016.

Nguồn: Theo Công thông tin điện tử Bộ Tài Chính

Viết bình luận